Tưởng như chẳng bao giờ có gì nguy hại, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường vô tình cho trẻ uống thuốc ho quá liều mà chẳng hề hay biết đến hậu quả. Để rồi khi những hiểm nguy xảy ra với sức khỏe con trẻ, đổi lại chính là sự ân hận muộn màng của ông bà, cha mẹ.

Nếu trẻ uống thuốc ho quá liều sẽ như thế nào?
Chị Vân, 30 tuổi, Gia Lai đã gửi thư về chia sẻ câu chuyện của mình như sau:
“Khi mọi chuyện đã qua đi, mình mới gom đủ bình tĩnh để ngồi viết những dòng này chia sẻ đến mọi người một chuyện làm mình cực kì ân hận: cho trẻ uống thuốc ho quá liều. Hai vợ chồng mình sinh bé Nhi xong thì ở riêng. Là đứa đầu nên nhiều khi tay chân chăm cháu cũng cứ lóng ngóng. Rồi dạo dịch viêm họng cấp xảy ra, bé Nhi tất nhiên cũng không tránh khỏi. Với tâm lí sốt sắng nghĩ rằng “càng nhiều càng tốt”, mình cho bé uống thuốc với thời gian sai lệch so với thời gian bác sĩ quy định.
Thay vì một ngày chỉ chia thành 3 lần, mình bấm bụng tăng thêm 1 cữ khuya với hi vọng bé sớm ngày đỡ bệnh. Mọi chuyện bình thường cho đến khi nửa đêm, mình giật mình thức giấc thì thấy người cháu nóng bừng. Hơn nữa có dấu hiệu co giật nhẹ, hàm cắn chặt và lay mãi chẳng tỉnh. Mình ngoài việc hoảng hốt gọi ông xã thì chỉ biết ôm con và khóc. May là mình thức dậy kịp lúc. May là hôm ấy ảnh không đi công tác. May là chồng mình bình tĩnh đưa con vào viện nhanh chóng…
Mình quả thực không dám nghĩ đến buổi tối hôm ấy nữa!”
Câu chuyện cho trẻ uống thuốc ho quá liều của chị Vân trên thực tế không phải điều hiếm gặp. Tại khoa nhi của nhiều bệnh viện, có không ít trường hợp trẻ phải nhập viện theo dõi điều trị dài ngày do sự thiếu hiểu biết của bậc phụ huynh. Thậm chí khi không kịp thời cấp cứu, đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ và sức khỏe mãi về sau, kể cả trẻ bị tử vong vì sốc thuốc và cấp cứu muộn.

Những hậu quả khi cho trẻ uống thuốc ho quá liều
Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé gần như yếu ớt hơn rất nhiều. Vì vậy trẻ em là đối tượng hàng đầu có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc cảm cúm, ốm sốt. Đa phần, các dấu hiệu viêm họng ở trẻ đều là bệnh thường gặp, ít gây nguy hiểm và sẽ nhanh chóng khỏi hẳn khi được chăm sóc cẩn thận. Theo đó, thói quen của không ít gia đình chính là tự mua thuốc về điều trị cho trẻ, nhất là những nhóm thuốc không cần kê đơn như: thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc bổ phế,…
Thế nhưng không phải ai cũng có khả năng làm bác sĩ. Không phải thuốc nào cũng có thể dùng để điều trị viêm họng cho trẻ. Bởi hầu như các loại thuốc khi sử dụng đều có thể khiến trẻ gặp các phản ứng phụ, dị ứng, sốc phản vệ,…
Đặc biệt với những trẻ uống thuốc ho quá liều, thông thường sẽ phải đối mặt với những hậu quả như:
- Rối loạn cân bằng sinh học: cụ thể là rối loạn chức năng tiêu hóa, đường ruột ở trẻ. Ngoài ra sẽ làm suy kiệt hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ, khiến công cuộc chữa trị phục hồi diễn ra khó khăn, trì trệ.
- Tắc nghẽn hô hấp, co giật: khi thuốc ho, bổ phế dùng quá liều sẽ gây ra trạng thái co bóp mạnh ở khí quản, thậm chí là suy hô hấp, nghẽn đường thở, suy tim,…
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: dùng thuốc liều cao/quá liều sẽ tạo thành áp lực đến hệ thần kinh của trẻ, gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Có trường hợp vì uống quá liều mà trẻ bị trầm cảm hoặc biến thành ngốc nghếch.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình phát triển và sức khỏe của trẻ.
- Suy giảm chức năng gan, thận, dạ dày
Biểu hiện khi trẻ uống thuốc ho quá liều
Các bác sĩ thường khuyến cáo gia đình nên theo dõi bé trong suốt quá trình điều trị để kịp thời phát hiện các biểu hiện khác lạ ở trẻ. Khi trẻ có bất kì các biểu hiện nào trong các biểu hiện dưới đây, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa.

- Mức độ nhẹ: da ửng đỏ, ngứa ngáy, nổi mẩn. Miệng khô lưỡi đắng, nôn mửa, đau bụng, bồn chồn, ù tai, váng đầu, sốt cao,…
- Mức độ nghiêm trọng: tăng nhịp tim, nôn mửa có xen lẫn bọt máu, đồng tử mở to ( có khi trợn mắt), động kinh, co giật, líu lưỡi, thở gấp, bất tỉnh,…
Cách phòng ngừa uống thuốc quá liều ở trẻ
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình điều trị viêm họng ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những điểm sau:
Khám chữa và nhận thuốc tại bệnh viện, phòng khám “mát tay”: khi trẻ cảm thấy không khỏe, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra các phương pháp phù hợp, an toàn với trẻ nhất.
Uống thuốc theo toa, đơn: hầu như các bác sĩ đều sẽ đưa ra liều lượng theo đúng với thể trạng, mức độ của trẻ. Vậy nên các bậc phụ huynh cần chia nhỏ lần thuốc theo yêu cầu của bác sĩ, tránh tự ý gia giảm liều lượng.
Không gộp lần uống: nhiều cha mẹ thường không nhớ rõ thời gian cách lần uống của con và có thói quen uống “bù” cho đủ cữ. Điều này tuyệt đối không nên áp dụng vì có thể gây ra sốc thuốc ở trẻ. Nên đánh dấu, ghi chú rõ giờ giấc mỗi lần uống và thực hiện đúng để trẻ chóng lành bệnh.
Để thuốc xa tầm tay trẻ: trẻ em luôn tò mò về những điều mới lạ, nhất là hứng thú với những viên thuốc nhiều màu sắc. Hãy chắc chắn thuốc chữa viêm họng của trẻ được cất ở nơi thoáng mát, khô ráo và ở nơi trẻ không thể tìm thấy, với tới.

Khi trẻ uống thuốc ho quá liều: nếu trẻ vẫn tỉnh táo hoặc ngộ độc ở mức độ nhẹ, nên giữ trẻ ngồi thẳng, cho trẻ uống nhiều nước ấm để kích thích bài tiết lọc bớt thuốc dư thừa. Sau đó, nếu có thể nên cho trẻ ói bớt thuốc ra ngoài và đưa đến cơ sở y tế. Ở trường hợp nghiêm trọng, nên gọi xe cấp cứu hoặc lập tức đưa đến bệnh viện để súc ruột. Không nên tự ý kéo dài thời gian sơ cứu vì sẽ làm chậm trễ quá trình giải độc cho trẻ.
“Trẻ em như búp trên cành”. Bất kì sự kiện nào xảy ra với trẻ đều có thể để lại di chứng hệ lụy về sau này. Đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe, cơ thể của trẻ vẫn chưa đủ hoàn chỉnh và mạnh mẽ để chống lại những tổn thương đến từ bên ngoài. Chỉ cần “sai một li sẽ đi một dặm”, chỉ vì chủ quan của nhiều bậc phụ huynh mà đứa trẻ phải gánh nhiều hiệu quả đáng tiếc.
Vì vậy vấn đề trẻ uống thuốc ho quá liều cần được xem là một vấn đề nguy cấp và nghiêm trọng. Trong suốt quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, chắc hẳn sẽ có không ít lần trẻ nhiễm bệnh. Thế nên sự quan tâm kĩ lưỡng từ phía gia đình chắc chắn là điều không thể thiếu. Đừng vì một chút lơ đễnh, một chút vô tâm mà khiến trẻ uống thuốc ho quá liều hoặc dùng thuốc sai cách. Đổi lại, đó có thể chính là sự hối hận muộn màng.
An Tư
➥ Những thông tin bổ ích cho mẹ và bé:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!