Thông thường chỉ cần nghe thấy từ u nang gắn với bất cứ bệnh gì ở vế sau đã khiến người bệnh hoảng loạn không biết mình có phải “gần đất xa trời” hay không, nhất là các bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Chính vì vậy, khi nhắc đến bệnh u nang thanh quản, khá nhiều bệnh nhân đứng ngồi không yên, không biết u nang thanh quản là gì và có nguy hiểm hay không?
Nổi bật là tâm sự của Anh Thư (20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại Thương – TPHCM) khi gửi về chuyên mục: “Em bị khàn tiếng 5 – 7 ngày. Ban đầu chỉ tưởng là mình bị viêm họng thông thường thôi, sau vài ngày sẽ khỏi. Cho nên, em không đi khám hay uống thuốc gì cả, chỉ ngậm chanh với mật ong. Nhưng sau đó hơn 3 tuần mà bệnh mãi không khỏi, em mới đi khám, làm các xét nghiệm bác sĩ yêu cầu và được chẩn đoán u nang thanh quản lành tính. Thoạt nghe tên bệnh, em nhớ đến căn bệnh mà chị MC Thanh Vân (Vân Hugo) mắc phải, em cũng hoang mang lắm nhưng bác sĩ bảo lành tính có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, em không biết u nang thanh quản có nguy hiểm không? Về phần bác sĩ nói không biết có phải bác ấy đang an ủi em hay không nữa.”

U nang thanh quản là gì?
Theo các chuyên gia ung bướu, u nang thanh quản là tình trạng chất nhầy hoặc dịch tiết chứa trong dây thanh quản không được tống khứ ra ngoài. Khi đó, lớp dịch này sẽ tạo thành một lớp màng có màu trắng đục bọc dây thanh quản và tạo thành một khối u nang.
Bệnh u nang thanh quản trước đây chỉ xuất hiện ở nam giới từ độ tuổi 40 – 45 nhưng thời gian gần đây, bệnh thường xuyên xảy ra ở người trẻ tuổi, dưới khoảng 30 tuổi và cả phụ nữ. Nguyên nhân gây u nang thanh quản có thể là do bệnh nhân mắc phải các bệnh lý về hô hấp như viêm amidan, viêm phế quản hoặc viêm họng, ho hoặc do bệnh nhân nói quá to trong khoảng thời gian dài,…
Triệu chứng của u nang thanh quản thường “tàng hình” trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán u nang thanh quản khi bệnh đã tiến vào giai đoạn muộn. Lúc này, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, khàn tiếng, đôi lúc khó thở. Hơn nữa, bệnh nhân thường cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng như có gì chặn ở cổ họng, cơ thể vì thế mà thiếu dưỡng chất nuôi dưỡng dẫn đến suy yếu, sụt cân.
U nang thanh quản có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia tai mũi họng, bệnh u nang thanh quản không phải là bệnh tiền ung thư hay ung thư. Do đó, nó không được liệt kê vào danh sách bệnh nguy hiểm. Cho nên dạng u nhú trong dây thanh quản này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Nhưng bệnh lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói của bệnh nhân. Đặc biệt, có trường hợp nếu người bệnh không tuân thủ đúng theo yêu cầu điều trị của bác sĩ, u nang thanh quản có thể gây mất giọng nói ở bạn.

Vì vậy, để tránh trường hợp mất giọng nói, khi bị u nang thanh quản ở mức độ nhẹ, người bệnh nên hạn chế nói để tránh làm dây thanh quản bị tổn thương nặng. Đối với trường hợp khối u nhỏ, mới lú lên, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc hay chấm thuốc để chữa. Còn nếu bệnh nặng hơn, khối u có kích thước lớn gây chèn ép thanh quản, ảnh hưởng đến giọng nói, phẫu thuật là điều cần thiết.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khối u nang thanh quản sau khi được cắt bỏ chúng vẫn có thể tái phát trở lại. Do đó, để ngăn ngừa bệnh quay trở lại, bệnh nhân nên có chế độ chăm sóc tốt sau phẫu thuật. Đồng thời, nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bệnh tái diễn.
Như đã đề cập, u nang thanh quản tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà hãy thăm khám và điều trị ngay khi có các biểu hiện bất thường xuất hiện ở vòm họng.
BTV: Hạ Thiên
→ Có thể bạn quan tâm: Cách nhận biết ung thư thanh quản giai đoạn đầu và cuối
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!