Con bị sốt hay ho kéo dài do viêm phế quản khiến ba mẹ lo lắng sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Vì vậy nên tìm hiểu việc phòng ngừa và cách chữa trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em là rất quan trọng đối với mỗi phụ huynh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 1 tuổi do sức đề kháng kém. Chính vì vậy, một khi các bé bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà thường dễ mắc viêm phế quản nhất. Một số trường hợp là do trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng, còi xương dễ mắc phải và còn có khả năng dẫn tới viêm phổi mãn tính.
Virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phế quản giai đoạn đầu, thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm hô hấp trên, ho sổ mũi, viêm xoang hay cúm. Sau đó, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới sức đề kháng của trẻ yếu đi, virus băt đầu lây lan tới hai cuống phổi, làm cho khí quản bị sưng, tiết dịch nhầy trong phổi khiến trẻ bị ho liên tục không dứt kèm theo hơi thở khó.
Viêm phế quản cũng có thể là do trẻ bị hít phải hơi thuốc lá, không khí ô nhiễm. Đa số những trẻ em hoặc thanh thiếu niên sống trong môi trường khói thuốc thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản mãn tính.
Cách phòng ngừa và điều trị viêm phế quản ở trẻ em
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì vậy để tránh cho trẻ mắc phải căn bệnh này cần luôn giữ ấm cho trẻ, tránh trẻ khỏi môi trường ô nhiễm, khói bụi. Đặc biệt những ông bố hút thuốc nên nghĩ tới sức khỏe của con mình mỗi khi cầm điếu thuốc. Đồng thời trẻ nhỏ thường khó chịu được lạnh, nhất là trong cổ họng và đường ruột. Vì vậy, nếu cho trẻ uống nước hãy cho uống nước ấm để giữ ấm bên trong cơ thể trẻ.
Khi trẻ bị bệnh viêm phế quản, phụ huynh cần chú ý những điểm sau:
– Giữ ấm cho trẻ và giúp trẻ làm sạch các đường phế bằng cách tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi sẽ làm trẻ dễ thở hơn.
– Không nhất thiết là phải dùng kháng sinh, vì viêm phế quản là do một loại virut gây nên và kháng sinh không đem lại lợi ích gì cho điều trị. Vì vậy, kháng sinh chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẫn, và được sự cho đơn thuốc của bác sỹ.
– Cho bé uống nhiều nước ấm mỗi ngày, việc này sẽ giúp bé không bị tắc nghẽn sung huyết. Không khí xung quanh bé luôn phải sạch sẽ, không bụi bẩn và không khói thuốc để đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp và tránh cho bé cảm giác khó chịu.
– Khi bé sốt nhẹ chỉ cần cho bé uống nhiều nước, mặc đồ rút mồ hôi, thoáng mát. Nếu bé sốt cao trên 38 độ thì có thể cho bé uống acetaminophen hay ibuprofen để giúp bé hạ sốt và giảm đau. Ngay khi trẻ bị cảm lạnh hay bắt đầu ho sổ mũi, thì cũng nên điều trị dứt điểm ngay, để tránh các biến chứng về sau.
– Đối với trường hợp bé có biểu hiện thở nhanh, thở mệt, da tái hoặc không ăn uống, cần đưa bé tới bệnh viện càng nhanh càng tốt vì khi đó bé đang trong tình trạng nguy hiểm.
– Đặc biệt lưu ý: Tuyệt đối không để trẻ bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay).
Viêm phế quản là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai chỉ sau bệnh tiêu chảy. Chính vì vậy, cần tìm hiểu kỹ những phương pháp phòng ngừa và cách chữa trị bệnh viêm phế quản để bảo vệ trẻ được tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!