Viêm amidan là một trong những chứng bệnh thường hay gặp về đường hô hấp. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào nhưng trẻ em vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Phẫu thuật viêm amidan là một phương pháp điều trị rất phổ biến, song cần có chỉ định chặt chẽ khi cắt amidan để tránh trường hợp gây ra biến chứng và bệnh tái phát nguy hiểm hơn. Việc xác định được bị viêm Amidan khi nào nên cắt sẽ giúp bạn điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.
Viêm amidan khi nào nên cắt amidan
Viêm amidan là một trong những chứng bệnh về đường tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amidan có thể là viêm cấp, viêm amidan cấp tái hồi, viêm amidan mạn, viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan. Cắt amidan là phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu khi được chỉ định chính xác nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các loại vi khuẩn hoặc quá phát gây bít tắc hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành u ác tính. Tuy nhiên, bệnh chỉ nên cắt khi được thăm khám và chẩn đoán chính xác, nhằm tránh gây ra những biến chứng khôn lường và tránh tình trạng bệnh tái phát nghiêm trọng hơn.
Cắt amidan cần phải có chỉ định của bác sĩ
∗ Nên cắt amidan trong những trường hợp sau đây:
+ Viêm amidan mạn tính có trên 6 đợt tái phát trong 1 năm hoặc năm liên tiếp. Viêm amidan mạn tính kéo dài đã được điều trị nội khoa tích cực trong vòng 4-6 tuần nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm, bệnh nhân vẫn bị đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi.
+ Áp-xe quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
+ Viêm amidan gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: Sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang, bệnh tái đi tái lại nhiều lần không khỏi.
+ Amidan quá phát bít tắc hô hấp trên gây ngáy mạnh khi ngủ, khiến cho người bệnh ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.
+ Amidan chỉ to một bên kèm theo đó là sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amidan.
Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường trên 4 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to gây ra những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý: Khi cắt amidan không nên thực hiện đối với một số đối tượng như: Những bệnh nhân có rối loạn đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải Hemophilia A, B, C; Suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu. Nên trì hoãn cắt amidan khi bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ, có bệnh mạn tính điều trị chưa ổn định như bệnh tiểu đường, lao, cường giáp hay ở vùng đang có bệnh dịch; phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh.
Một số lưu ý sau khi cắt amidan bạn cần biết
Đối với những bệnh nhân vừa phải trải qua thủ thuật cắt bỏ amidan điều trị chứng viêm amidan thì bệnh nhân đang chịu những tổn thương ở vòm họng, lúc này việc ăn, uống là rất khó khăn. Vì vậy, mỗi người nên thực hiện tốt chế độ ăn uống và sinh hoạt sau đây để bệnh nhanh khỏi và hạn chế xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
∗ Chế độ ăn uống
Sau khi cắt amidan nên ăn những thức ăn mềm
– Sau khi cắt amidan khoảng 24h đến 48h: Bệnh nhân nên ăn những loại thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo lỏng, ăn súp, uống sữa, uống nước ép trái cây không có tính axit. Không nên ăn những thức ăn cứng, khô vì sẽ làm tổn thương vùng amidan làm bệnh lâu khỏi hơn, thậm chí là nặng hơn.
– Sau 2- 3 ngày, lúc này bệnh nhân có thể tiếp tục ăn cháo, súp hoặc bổ sung thêm cơm với các loại thức ăn mềm, các loại bánh ngọt mềm. Đặc biệt là ăn các loại rau củ quả mềm như: Cà rốt, khoai tây, chuối chín, bí đỏ. Đồng thời, người bệnh nên bổ sung thêm sữa chua nhằm để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể vừa tốt cho hệ thống tiêu hóa.
– Sau 4-5 ngày: Thời gian này hầu như vết thương đã gần lành hẳn, bệnh nhân vẫn ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm mềm như rau, củ, quả và các loại thịt thì nên hạn chế ăn các loại thịt bò, trứng luộc vì có thể làm vết thương lâu lành hơn.
– Từ 7 ngày trở đi, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trở lại. Tuy nhiên nếu còn cảm giác đau họng thì nên nhai thật kỹ khi nuốt.
– Người bệnh tuyệt đối không uống các loại thực phẩm kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, không ăn thức ăn cay, chua, nóng vì có thể khiến bệnh tái phát nguy hiểm.
∗ Chế độ sinh hoạt:
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi cắt amidan
– Bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị và tái khám đúng hẹn.
– Ngày đầu tiên bệnh nhân cần nằm tại giường bệnh, nơi thoáng mát, đủ ánh sáng, có người chăm sóc.
– Từ ngày 2- 10: Đi lại, nói chuyện và lao động nhẹ tại nhà hoặc nơi làm việc. Tuy nhiên, không nên đi đường xa, đường gồ ghề bằng phương tiện thô sơ và không đi máy bay. Tuyệt đối không được hò hét, chạy nhảy và hoạt động gắng sức khác dưới trời nắng nóng.
– Tắm rửa bằng nước ấm, súc miệng, chải răng sau mỗi bữa ăn với kem đánh răng và nước mát.
– Không cố khạc khi vướng họng để tránh bong giả mạc, một lớp màng màu trắng như bông phủ hố amidan, có tác dụng bảo vệ và giúp cầm máu hố mổ, tự bong từ ngày 7 đến ngày 10, không phải là mủ.
Trên đây là giải đáp thắc mắc bị viêm Amidan khi nào nên cắt? Và một số lưu ý sau khi cắt amidan nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
→ Có thể bạn muốn biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!