Bệnh suy giáp gây ra nhiều nguy hiểm, đặc biệt đối với phụ nữ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim,… Bạn đã biết bệnh suy tuyến giáp trạng là gì chưa? Cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh suy giáp trong bài viết sau đây.
Bệnh suy tuyến giáp trạng là gì?
Suy tuyến giáp trạng là một trong 2 rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp. Nếu như tăng năng tuyến giáp hay còn gọi là cường giáp trạng là tình trạng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu tăng cao; thì suy tuyến giáp trạng hay còn gọi là nhược giáp, giảm năng tuyến giáp là tình trạng nồng độ hormone tuyến giáp giảm trong khi nồng độ kích thích tố tuyến giáp TSH lại tăng.
Nguyên nhân gây suy giáp
Có nhiều nguyên nhân gây suy tuyến giáp trạng, được chia thành 2 nhóm sau:
*Suy giáp tiên phát:
– Nguyên nhân tại tuyến giáp gồm: Viêm tuyến giáp mạn tính tự miễn Hashimoto; Viêm tuyến giáp bán cấp tái phát nhiều lần; Tuyến giáp teo ở phụ nữ mãn kinh; Khiếm khuyết bẩm sinh trong quá trình tổng hợp và bài tiết hormon giáp trạng; Rối loạn chuyển hoá iod: thừa hoặc thiếu i-ốt; Rối loạn gen tại tuyến giáp; Không có tuyến giáp.
– Nguyên nhân sau điều trị gồm: Sau phẫu thuật tuyến giáp (Cắt quá nhiều hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp); Sau điều trị Basedow bằng i-ốt phóng xạ; Sau điều trị Basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp quá liều.
*Suy giáp thứ phát:
Xảy ra khi có tổn thương tuyến yên gây giảm hoặc mất khả năng sản xuất TSH do: Khối u lành hoặc ác tính của tuyến yên; Sau phẫu thuật tuyến yên hoặc chấn thương tuyến yên; Hoại tử tuyến yên do mất máu sau đẻ (Hội chứng Sheehan).
Triệu chứng bệnh suy giáp thường gặp
Các triệu chứng bệnh suy giáp ở giai đoạn đầu thường mơ hồ, nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn các biểu hiện bệnh rõ ràng hơn. Khác với triệu chứng bệnh cường giáp, bạn có thể nhận biết suy giáp thông qua các bất thường sau:
– Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, có thể tăng cân mặc dù ăn uống kém.
– Về tiêu hóa thường là bị táo bón.
– Da khô và thô, da tái lạnh; tóc dễ rụng gãy, rụng lông mày, lông nách, lông mu thưa.
– Phù niêm mạc toàn thể; thâm nhiễm các cơ quan như nặng mí mắt; lưỡi to dày; giọng nói khàn, khó thở,…
– Tim to và nhịp tim chậm, tràn dịch màng tim. Nếu suy giáp nặng có thể suy tim.
– Gây hội chứng thần kinh: Trầm cảm, suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm,…
Điều trị bệnh suy tuyến giáp trạng tùy từng trường hợp cụ thể với nguyên nhân gì mà cách điều trị là khác nhau. Bệnh nhân suy giáp cần phải kiên trì uống thuốc thyroxin theo chỉ định của bác sĩ và trong khoảng vài tuần sẽ bình phục. Nhưng cũng có thể phải điều trị kéo dài suốt đời nếu bị suy tuyến giáp vĩnh viễn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!