Phải làm gì khi bé bị viêm họng không chịu ăn? Khi bé bị viêm họng thường sẽ không chịu ăn, điều này khiến bậc cha mẹ vô cùng lo lắng và không biết xử trí như thế nào. Bài viết sẽ hướng dẫn một vài mẹo để trẻ ăn được nhiều hơn, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng giúp nhanh chóng khỏi bệnh.

I.Nguyên nhân bé bị viêm họng không chịu ăn
Viêm họng là hiện tượng các mô trong họng bị sưng viêm hoặc nhiễm trùng. Bệnh viêm họng khá phổ biến và tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ chiếm đến 70%.
Viêm họng sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh. Nguyên nhân thường thấy là do trẻ mắc phải virus cảm cúm, sởi, bạch hầu,… hoặc do tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm, mắc bệnh tay chân miệng,…
Không chỉ vậy, các triệu chứng của viêm họng chính là nguyên nhân khiến trẻ không chịu ăn, kén ăn, chậm nuốt, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Trẻ khi bị viêm họng, cổ họng sẽ sưng tấy, đỏ rát và có các đốm trắng bám trên thành họng. Trong vòm miệng có thể sẽ bị nổi nhiệt, cảm giác nuốt khó và không thể há miệng to. Viêm họng sẽ khiến trẻ thở khò khè, nổi hạch cổ và làm trẻ mệt mỏi, uể oải, chán ăn. Khi mắc bệnh, hệ tiêu hóa và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của bé bị suy giảm, bụng bé thường cảm giác đầy ứ và khiến trẻ không hứng thú dù là món yêu thích.
Nếu trẻ liên tục bỏ bữa, cơ thể trẻ sẽ không được cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu để sản sinh kháng thể đẩy lùi viêm họng. Có một thực đơn dinh dưỡng cho bé trong những ngày bệnh là một điều vô cùng quan trọng mà bất kì các bậc phụ huynh nào cũng nên biết.
II. Mách mẹ cách chăm sóc bé khi bị viêm họng
Một đứa trẻ khi bị viêm họng, triệu chứng thường gặp chính là biếng ăn bởi họng sẽ bị đau rát mỗi khi nuốt, thở khó và cơ thể mệt mỏi. Các mẹ hãy đừng quá lo lắng khi trẻ lười ăn, kén ăn mà hãy thật bình tĩnh đưa ra các biện pháp cụ thể để hỗ trợ bé.
#1 Không nên ép trẻ ăn
Nghe có vẻ ngược nhưng đây là một phương pháp hợp lí để chăm sóc trẻ trong những ngày bệnh. Theo ThS-BS Hoàng Thị Tín, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, không nên ép trẻ ăn vì rất dễ làm trẻ mắc bệnh biếng ăn. Ép trẻ ăn quá nhiều sẽ làm dạ dày trào ngược, khiến trẻ bị nôn ói. Nguy hiểm hơn, có thể gây tắc đường thở hoặc làm sưng viêm cổ họng do phải nhai nuốt quá nhiều.
Ngược lại, cha mẹ cần tìm hiểu sở thích và tạo tâm lí thoải mái cho trẻ trước và trong khi ăn để quá trình hấp thụ của trẻ diễn ra dễ dàng. Một bí quyết nhỏ là các mẹ nên nấu các món ăn thanh đạm với một vài nguyên liệu trẻ thích và trình bày đẹp mắt có thể giúp kích thích cơn thèm ăn ở trẻ.
#2 Chia nhỏ bữa
Đối với trẻ, việc dùng thức ăn có thể rất khó khăn khi cổ họng đau rát và cảm giác nuốt nghẹn, nuốt khó. Để giảm các cơn đau này, các bậc phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày và cách nhau khoảng 2-3 tiếng để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Một sai lầm các mẹ không nên mắc phải là để thức ăn nấu sẵn ngoài trời quá lâu. Với hệ miễn dịch yếu ớt khi bị viêm họng, trẻ dễ nhiễm phải bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, các mẹ nên nấu từng ít một và cho trẻ ăn ngay khi còn ấm để chữa viêm họng hiệu quả.
Với trẻ còn bú mẹ, có thể chia nhỏ cữ bú ngoài ra việc bú mẹ sẽ giúp làm thông thoáng đường họng và bổ sung các chất thiết yếu cho trẻ.
#3 Thực đơn dinh dưỡng
Trẻ ăn ít sẽ khiến quá trình lành bệnh chậm đi. Việc bổ sung các chất thiết yếu để hỗ trợ cơ thể trẻ là điều cực kì quan trọng. Các mẹ nên thường xuyên làm mới thực đơn để tránh nhạt miệng, bổ sung nhiều vitamin A, C, B1, B2, kẽm, sắt,… từ rau củ quả tươi.
Sau bữa ăn có thể cho trẻ ăn thêm một ít sữa chua để men tiêu hóa sản sinh, hỗ trợ quá trình chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
#4 Thức ăn mềm dễ tiêu hóa
Cổ họng đau rát sẽ khiến trẻ không thể ăn các đồ cứng, cay nóng. Các mẹ cần lưu ý lựa chọn nấu cho bé các món lỏng, dễ nuốt như : cháo, súp, canh hầm để vừa dễ ăn vừa giảm cơn đau cho trẻ. Không nên cho trẻ ăn đồ nhiều chất béo, đồ cay nóng để tránh kích ứng đến thành họng gây biến chứng : bệnh viêm amidan, viêm họng cấp tính,…

Có thể dùng nước luộc rau ấm cho trẻ uống để nhanh chóng làm dịu cơn rát. Không nên nêm nhiều gia vị và nêm quá mặn, ngọt,… vì sẽ làm hệ tiêu hóa của bé khó chịu.
#5 Uống nhiều nước
Một điều cực kì quan trọng là cho trẻ uống nhiều nước. Ban đầu khi trẻ uống có thể vẫn sẽ cảm thấy đau buốt và khó chịu. Nhưng nước sẽ cung cấp chất điện giải và tăng cường điều hòa lưu thông máu, giúp cơ thể hạ nhiệt và sản sinh kháng thể chống lại khuẩn nhiễm.
Các mẹ có thể cho trẻ uống nước ép trái cây, sinh tố, nước ấm mật ong để thay thế nước lọc. Các mẹ cần chú ý không nên cho trẻ uống quá nhiều. Acid trong trái cây sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ.
Một lưu ý khác là chỉ cho trẻ uống đồ ấm và tuyệt đối không dùng bất kì đồ lạnh, tránh cho niêm mạc họng sưng tấy và tổn thương vĩnh viễn.
Với trẻ sơ sinh, có thể xen kẽ một ít nước với sữa mẹ nhưng cũng không nên cho bé bú quá nhiều nước, dễ gây chướng bụng và khiến trẻ bỏ cữ bú chính.
#6 Cho trẻ ăn cùng gia đình
Có một số trẻ rất thích được ăn cơm cùng cha mẹ. Các bậc phụ huynh có thể áp dụng cùng ăn với trẻ để kích thích cảm giác thèm ăn của bé. Tuy nhiên nên tránh cho trẻ ăn các món chiên xào. Bên cạnh đó, an ủi và vỗ về trẻ cũng là cách tạo tâm lí giúp trẻ phấn chấn hơn và dễ ăn hơn.

Trẻ bị viêm họng không chịu ăn vốn là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ. Dù vậy, để dỗ trẻ ăn cần nhiều kiên nhẫn và sự quan tâm hơn thường ngày. Không nên quá vội vã và lo lắng mà ép trẻ ăn nhiều và ăn sai cách, khiến trẻ dễ mắc phải chứng bệnh biếng ăn.
Các bậc cha mẹ nên theo dõi và quan sát bé để nhận biết tình hình bệnh. Nên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám và tư vấn để có phương hướng và biện pháp điều trị bệnh nhanh chóng kịp thời.
Khi trẻ hết bệnh, các bậc phụ huynh vẫn có thể áp dụng các cách chăm sóc trẻ để giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ luôn được khỏe mạnh. Một cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo khả năng phát triển toàn diện của trẻ và phòng ngừa bệnh tái phát.
Biên soạn: An Tư
➥ Mẹ nên xem ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!